Bài này đặt tên “Lịch Sử nghề nail của người Việt tại Mỹ” chưa xứng đáng nhưng… Sống ở Mỹ, nhiều dân tộc thiểu số có những nghề chuyên môn riêng biệt của họ, chẳng hạn, người Hàn Quốc chuyên môn mở tiệm tạp hóa nhỏ tại mọi góc đường; người Tàu thì nhà hàng Tàu ở mọi nơi; người Ý làm nghề xây cất; người Ấn Độ hay Trung Đông có cây xăng; người Khmer (tại Cali) chuyên làm thợ sản xuất bánh donut; người Việt chúng ta may mắn có nghề nail. Cách đây 20 năm, đa số người Mỹ bình thường vẫn còn xa lạ với việc có móng tay giả, rồi khi bước vô tiệm làm móng tay của người Việt Nam họ thường ngạc nhiên vô cùng với những công đoạn làm móng giả: mài, giũa, gắng “tip”, đắp bột, lấy shape, đi máy (dùng máy cà lên móng tay), đánh buffer cho bóng móng. Sau đó là khâu sơn và làm đẹp: French manicure, design màu, nail art, gắn đá hay gắn khoen vào móng. Khi xong suôi mọi việc thì mười ngón tay của họ đẹp như mơ. Bởi vậy, nhiều khách hàng cho rằng người Việt khéo tay không thua gì họa sĩ và điêu khắc gia. Vâng, đã có một sự thay đổi lớn đối với nghề làm móng tay trên đất mỹ từ vài chục năm qua, với sự đóng góp tài năng và sức lực của người Việt Nam. Nghề nail thực ra đã xuất hiện từ lâu tại Mỹ, Canada và nhiều nước Tây Âu. Trước đây mỗi thành phố lớn thường có một vài chổ làm nail nằm trong tiệm tóc cao cấp và mỗi nơi chỉ có một thợ. Đây là nghề đặt biệt nhưng hiếm khi nghe nhắc đến vì nó chỉ phục vụ cho thành phần thiểu số giàu có trong xã hội: phụ nữ thuộc giai cấp thượng lưu, tài tử điện ảnh, kịch sĩ, ca sĩ, model thời trang với giá cắt cổ: khoảng 60-100 đô cho một bộ móng. Có dịp xem phim ảnh của 50-70 năm trước bạn sẽ thấy móng tay của các tài tử nữ chính luôn được sơn French Manicure rất đẹp. Hãy bàn sơ về lợi ích của móng tay giả. Gọi giả bởi vì trước tiên móng thiệt được mài sơ qua cho nhám để gắn lên miếng plastic đặt biệt thật mỏng gọi là “tip” nhằm tạo chiều dài theo ý muốn, sau đó dùng cây cọ đắp lên một lớp bột thật mỏng: đủ để làm cho móng cứng chắc và đủ mỏng để trông như móng thật. Móng tay người Mỹ và người Tây thường rất tệ vì họ có thói quen cắn móng tay từ nhỏ. Móng giả giúp cho phụ nữ có bàn tay đẹp, đỡ tốn công chăm sóc mỗi ngày và giúp tăng sự tự tin. Móng tay giả bền chắc nên ít sợ bị gảy khi làm việc. Có một số người có móng tay thiệt bị cùi nên phải gắng móng giả để có thể làm việc thoả mái và hữu hiệu hơn. Thường thường nước sơn hay French Manicure rất dễ bị trầy, tróc và trông cũ sau vài ngày trên móng tay thật, trong khi trên móng giả nó có thể bám lâu và bám tốt tới vài tuần. Ở nhà sơn hay làm gì cũng không thể nào đẹp như ở tiệm làm. Móng thật của người Tây hay bị da chết (cuticle) mọc ra nhiều trông mất thẩm mỹ, nhưng khi có móng giả thì lớp da chết thường biến mất dần. Ngoài ra, đi làm móng tay cũng là một cái thú đối với phụ nữ – Ở Mỹ có nhiều tiệm móng tay có vài chục người làm và vào giờ nghỉ trưa các bà các cô từ các công ty rũ nhau ào ào từng tốp kéo vào tiệm để được chăm sóc móng. Tiệm làm móng tay cũng có khách hàng đàn ông; họ thường là người điệu đàng hay thuộc giới đồng tính và họ thường chỉ đến để cắt tỉa và làm cho móng tay, móng chân trông sạch sẽ (manicure và pedicure). Có người vì móng thiệt quá xấu hay thường bị cáu bẩn bám vào do công việc, ví dụ: thợ sửa xe, dân làm đường, xây cất – Cũng hợp lý thôi chứ chẳng lẽ hẹn hò với người yêu hay đúng vào ngày trọng đại của mình mà mấy móng tay lại đen thui trong khi mặt bộ complet trông thật bãnh. Có người cần có móng mạnh và dài, ví dụ: dân chơi guitar cổ điển. Một số người cảm thấy relax khi được phái đẹp mân mê cầm tay, nhất là khâu massage bàn tay và cánh tay. Nói về nghề làm móng tay của người Việt thì ta phải biết ơn bà Tippi Hedren, cựu tài tử và người mẫu, sinh năm 1930, người có lần nói với báo chí Mỹ: “người Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”. Vào năm 1975 bà Tippen có bảo trợ một hay vài gia đình người Việt mới vừa đến Mỹ và việc học nghề làm móng đã bắt đầu từ nhà riêng của bà: Bà mướn thợ dạy nghề cho một nhóm mấy chục phụ nữ người Việt. Sau đó bà giới thiệu chổ làm và còn kêu gọi bạn bè làm khách ủng hộ. Sau 15 năm, nghề được lan truyền rộng rãi giữa người Việt với nhau tại California, và nhu cầu kéo nhau đi mở tiệm trên khắp mọi nơi của nước Mỹ đã có từ đó. Năm 1994, mọi tiểu bang của Mỹ và Canada đều đã có nhiều tiệm nail của người Việt. Khi người Việt mở trường đào tạo, mở tiệm hành nghề ở mọi nơi thì thợ Mỹ, thợ Tây, thợ Mễ vẫn còn chỉ biết làm móng tay theo kiểu truyền thống, tức là móng tay thiệt dài đến đâu thì họ làm tới đó (họ chỉ biết làm paper wrap, silk wrap). Còn khi phải làm cho móng giả dài hơn móng thiệt thì họ gần như không thể làm được, nếu làm được thì rất khó khăn và khi làm xong nhìn là biết là móng giả ngay vì sự vụng về của nó. Nói chung, khi nghề làm móng của người Việt đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp thì người Mỹ vẫn còn làm theo kiểu thủ công. Theo vài nguồn tin đáng tin thì cái phát minh quan trọng nhất và cũng là phát minh đầu tiên của người Việt trong nghề là chế ra cái tip plastic. Nhờ có cái tip mà khách hàng muốn có móng tay giả giả dài cỡ nào và muốn có design phức tạp ra sao đều được thoả mãn (muốn có design đẹp móng thường phải dài vừa phải, do đó thợ Mỹ không chuyên về design). Cái tip cũng giúp cho người Việt rút ngắn thời gian hoàn thành bộ móng tay. Dùng máy air brush để tạo French manicure hay mẫu mã bắt mắt đầy tính sáng tạo và nghệ thuật trên những móng tay giả thật đẹp, dài và cong vút. Đó là vài yếu tố góp phần nâng tính chuyên nghiệp cho nghề nail và nó đã trở thành một nghề chính thức được đào tạo chuyên nghiệp từ trường: Sau đó phải đi thi lấy licence do Bộ Thẩm Mỹ của tiểu bang cấp (State Board of cosmetology). Khi tiệm móng tay của người Việt đã mọc ra như nấm và mọc ra ở mọi nơi trên đất mỹ và Canada thì nhiều trường dạy làm tóc làm đẹp của Mỹ mới thi nhau đào tạo thợ nail. Học viên cũng ồn ào ghi danh nhưng học xong cũng như không vì chỉ có người Việt mở tiệm chuyên làm móng. Chủ người Việt lại không thích mướn thợ Mỹ, thợ Mễ vì: họ được đào tào khác, cách làm việc cũng chậm chạp và không nhạy bén như người mình. Người Việt chuyên trả tiền mặt nên nếu mướn Mỹ sẽ dễ bị phiền phức về sổ sách và thuế má. Thêm vào đó là lý do ngôn ngữ: đâu có ai thích mướn người có trình độ ngôn ngữ lưu loát hơn mình quá nhiều. Bởi vậy, người Mỹ học xong không có chổ thực tập tay nghề nên từ từ họ giả từ giấc mơ làm thợ móng. Từ lúc người Việt ào ào xông ra làm nail thì người dân trung lưu và hạ lưu, già lẫn trẻ mới có được cơ hội mang móng giả với giá cả rất mềm (đây là miền ao ước từ lâu của biết bao phụ nữ Mỹ). Tiết kiệm lắm thì cũng có bộ nail cho cho ngày cưới, vào ngày sinh nhật hay cho chuyến đi du lịch xa. Các bé gái mới lớn thường mơ ước có hai bàn tay với những móng dài, có design thật đẹp cho ngày sinh nhật hay vào ngày prom. Ngày nay, chỉ còn lại một ít thợ Mỹ, Tây có tay nghề cao siêu, miệng lưỡi giỏi chuyên phục vụ giới nghệ sĩ nỗi tiếng và đám khách thượng lưu. Cũng có một số người Mễ làm nail; nhiều người Mễ được đào tạo từ các trường của người Việt. Người Hàn Quốc thì chuyên môn phục vụ nail cho giới da trắng cao cấp nhờ phong cách phục vụ chuyên nghiệp và nhờ có nhiều kinh nghiệm làm ăn. Có một ít người Hàn giỏi nghề mở tiệm ở những địa chỉ tốt rồi mướn thợ Việt. Người Việt bung ra mở tiệm thì các công ty mỹ phẩm quốc tế cũng được mùa, tha hồ sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn. Nhiều công ty sản xuất chuyên nghành do người Việt làm chủ cũng lớn mạnh: bàn, tủ, tranh ảnh sơn dầu về nail và bàn tay, nước sơn, ghế masage để làm móng chân nước… Người Việt trong nghề chủ yếu mua hàng từ tiệm nail supplies do người Việt làm chủ. Chính nhờ có hệ thống cung cấp sản phẩm riêng biệt mà người ngoài khó lòng xâm nhập để học hỏi những bí quyết của người Việt, ngoài trừ một số ít người Việt gốc Tàu. Một yếu tố giúp người Việt chiếm lĩnh 70-80% thị trường nghề nail là nhờ người Việt liều mạng. Tay nghề còn non yếu, vốn liếng ít, tiếng Anh bết bát nhưng người Việt vẫn liều mạng đua nhau mở tiệm. Tất cả nhờ vào sự bắt chước nhạy bén, thấy người khác làm có ăn nên bắt chước làm theo mà cuối cùng tiệm của người Việt chiếm lĩnh gần trọn thị trường. Vào thời mới bành trướng sang miền Đông và Canada, nhiều người dân bản xứ đồn rằng “chắc tụi Mafia đào tạo, mở tiệm và cung cấp sản phẩm bí mật cho các tiệm nail người Việt”. Tại sao có người nghĩ như vậy? Vì Khách Tây không biết rằng ta có cả một hệ thống riêng. Nếu nghề nail là một nghề phổ biến từ lâu như nghề tóc, thì người Việt đã không bao giờ có cơ hội đột nhập đông đảo, nói chi đến việc chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay có khoảng 100-150 ngàn người Việt làm trong ngành nail. Đây là một sự may mắn vô cùng cho chúng ta. Nghề nail có mặt ở Canada từ lâu, từ khi bà con ở California xôn xao đông tiến ra khỏi tiểu bang California. Ở Úc cũng thuộc dân ta. Năm 2001 nghề này mới chèo ghe đáp bến London và liền lập tức bùng phát sang vài nước Tây Âu. Nhiều nước Đông Âu đã có sự hiện diện của tiệm nail người Việt. Tuy nhiên, châu Âu khác với Bắc Mỹ nên người Việt chắc sẽ không dễ chiếm lĩnh thị trường như ở Bắc Mỹ. Chuyện nghề Nail của người Việt là chuyện khá bất ngờ, do nhiều yếu tố may mắn tạo nên, nhưng nó đã là nghề chủ yếu của đa số người Việt. Nó tạo công ăn việc làm cho những người Việt yếu tiếng Anh hay không có tay nghề ổn định với thu nhập tương đối khá. Người Mỹ và người thuộc các sắc dân khác vẫn luôn ngạc nhiên cho rằng người Việt du nhập nghề nail vào xứ họ và khâm phục sự thống lĩnh thị trường của chúng ta. Dĩ nhiên cũng có người Mỹ, người Tây cay đắng nhìn thấy sự thành công của ta.